Trường Trung cấp nghề Dân tộc Nội trú - Giáo dục thường xuyên Bắc Quang
13 năm phát triển và trưởng thành (2006-2019)
Với mười ba năm hình thành và phát triển, Trường Trung cấp nghề Dân tộc Nội trú - Giáo dục Thường xuyên huyện Bắc Quang, đã và đang từng bước khẳng định vai trò của mình đối với sự phát triển bền vững của nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang.
13 năm trôi qua, những lớp học trò đầu tiên của nhà trường đã trưởng thành, với bàn tay và khối óc của mình, họ đã đến mọi miền tổ quốc kiến thiết, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp; 13 năm trôi qua, đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường ngày càng trưởng thành, lớn mạnh. Với niềm hăng say, nhiệt huyết của mình, các thầy cô giáo đã và đang vun đắp, chắp cánh cho những ước mơ hoài bão của bao thế hệ học sinh.
13 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, Trường Trung cấp nghề Dân tộc Nội trú và Giáo dục Thường xuyên huyện Bắc Quang, đã trải qua những bước phát triển được đánh dấu bằng những mốc lịch sử quan trọng. Trường Trung cấp nghề Dân tộc Nội trú huyện Bắc Quang, tiền thân là Trung tâm dạy nghề huyện Bắc Quang được thành lập ngày 26/06/2006. Trung tâm được giao nhiệm vụ đào tạo nghề Sơ cấp và dạy nghề thường xuyên đáp ứng nguồn nhân lực cần thiết cho sự phát triển của địa phương. Ngay từ những ngày đầu thành lập,năm 2006, Trung tâm chính thức khai giảng những khóa học đầu tiên với 07 thầy, cô giáo. Đó là một năm học đầy nhọc nhằn, với bộn bề công việc và những khó khăn như: Thiếu cơ sở vật chất; thiếu trang thiết bị dạy nghề; thiếu giáo viên…Bên cạnh đó, Trung tâm dạy nghề huyện Bắc Quang còn có những khó khăn mang tính đặc thù như: Nhu cầu học nghề của người lao động trong huyện luôn luôn thay đổi; số lượng ngành, nghề đăng ký học nhiều; địa bàn rộng; người lao động chưa nhận thức đúng về vị trí, vai trò của việc học nghề. Song, không vì vậy mà công tác dạy nghề của Trung tâm phải dừng lại, xác định được những khó khăn chung; đồng thời hiểu rõ các khó khăn đặc thù của cơ sở dạy nghề tuyến huyện, Trung tâm dạy nghề huyện Bắc Quang đã tranh thủ sự quan tâm chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền, của Sở lao động Thương binh & Xã hội tỉnh Hà Giang; động viên cán bộ giáo viên vượt mọi khó khăn, sát cánh cùng học viên, bám lớp, bám thôn, nhờ đó, hiệu quả của công tác dạy nghề của Trung tâm được mở rộng và phát triển về quy mô đào tạo, ngành, nghề đào tạo.
Năm 2006, Trung tâm dạy nghề huyện Bắc Quang được thành lập, được tiếp nhận cở sở vật chất của Trung tâm cai nghiện huyện Bắc Quang, với diện tích 3.610m2 và 03 dãy nhà cấp 4, với tổng diện tích là: 600m2 , được Trung tâm bố trí sử dụng làm nơi làm việc của cán bộ, giáo viên; nhà xưởng; nhà kho. Tới năm 2010, Trung tâm được mở rộng với diện tích đất sử dụng là: 26.393m2, đầu tư xây dựng 02 dãy nhà lớp học 3 tầng/ 24 phòng học; 01 nhà lưu trú giáo viên/12 phòng.Từ năm 2006 đến 2010, Trung tâm đã được Bộ Lao động Thương binh và xã hội; Tổng cục dạy nghề và UBND tỉnh đầu tư trên 4 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị dạy nghề cho các nghề: Tin học; May dân dụng; Công nghệ ô tô; Điện điện tử...Với trang thiết bị được đầu tư, Trung tâm đã có đủ trang thiết bị tối thiểu cần thiết để giảng dạy nghề sơ cấp và dạy nghề thường xuyên. Với tinh thần năng động, Trung tâm dạy nghề Bắc Quang đã luôn nỗ lực, chủ động, sáng tạo và linh hoạt trong công tác tuyển sinh học nghề, như: Tổ chức tuyển sinh qua kênh thông tin đại chúng của địa phương. Tuyên truyền tuyển sinh trực tiếp tại các xã, thôn bản qua các buổi giao ban, họp thôn. Ký kết quy chế phối hợp tuyển sinh với các tổ chức đoàn thể như Hội nông dân, Hội liên hiệp phụ nữ, Đoàn thanh niên,Trạm khuyến nông, Phòng giáo dục và đào tạo huyện…Nhờ sự nỗ lực, chủ động đó nên hằng năm, Trung tâm đã luôn hoàn thành và vượt chỉ tiêu, kế hoạch được giao. Ngay từ những năm đầu, Trung tâm khi tổ chức mở các lớp đều theo đúng quy định, các lớp khi mở đều có Quyết định mở lớp và được Trung tâm theo rõi, giám sát và quản lý trong suốt quá trình đào tạo. Cùng với việc thực hiện tốt công tác quản lý đào tạo, chất lượng dạy nghề, học nghề cũng như quy mô đào tạo của Trung tâm ngày một phát triển.
Năm 2006, khi mới thành lập, Trung tâm chỉ tổ chức giảng dạy 04 mã nghề sơ cấp. Tới năm 2011, được sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền huyện, sự chỉ đạo sát sao của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Giang, Trung tâm đã có đủ năng lực đào tạo 18 mã nghề sơ cấp và dạy nghề thường xuyên. Hằng năm, Trung tâm được tỉnh và huyện giao chỉ tiêu kế hoạch từ 1.350 đến 1.500 chỉ tiêu dạy nghề cho lao động nông thôn (không tính số đào tạo theo hợp đồng của các chương trình dự án khác). Riêng năm 2011, Trung tâm đã đào tạo được 2.092 học viên sơ cấp nghề, dạy nghề thường xuyên.
Qua 05 năm hoạt động từ 2006 đến 2011, Trung tâm dạy nghề đã đào tạo được 12.063 lao động, đồng thời làm tốt công tác bồi dưỡng nghề cho người lao động, tạo cơ sở cho người lao động tự tạo việc làm và góp phần cung cấp nguồn lao động có trình độ cho các doanh nghiệp, các nhà máy, hợp tác xã và phục vụ xuất khẩu lao động. Năm 2009, được sự nhất trí của UBND tỉnh Hà Giang, Sở LĐTB&XH và UBND huyện Bắc Quang, Trung tâm đã liên kết với Trường Trung cấp nghề Hà Giang (nay là Trường Cao đẳng Kỹ thuật và Công nghệ Hà Giang); Trường Cao đẳng nghề cơ điện Hà Nội; Trường Cao đẳng nghề Cơ điện-luyện kim Thái Nguyên, tuyển sinh đào tạo được: 05 lớp Trung cấp nghề (Nghề hàn; nghề điện công nghiệp); 02 lớp Cao đẳng nghề (Cao đẳng nghề kế toán doanh nghiệp; cao đẳng nghề điện công nghiệp). Thực hiện đào tạo và liên kết đào tạo đủ cả 3 cấp trình độ nghề là sơ cấp nghề; trung cấp nghề; cao đẳng nghề. Tạo cơ hội học nghề cho người lao động trên địa bàn huyện Bắc Quang và các huyện lân cận.
Trong giai đoạn từ 2006 đến 2011, Trung tâm dạy nghề Bắc Quang không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, số học viên khá, giỏi đạt trên 60%; số học sinh trung bình trên 30%. Để chất lượng dạy nghề đạt hiệu quả, Trung tâm dạy nghề đã luôn quan tâm thực hiện đúng phương châm dạy nghề: Học đi đôi với hành; lý thuyết gắn với thực hành, nhờ đó tạo hứng thú cho học sinh theo học. Bên cạnh đó, Trung tâm đã phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp, các trang trại để học sinh thực hành, trao đổi, học tập kinh nghiệm, qua đó nâng cao chất lượng dạy nghề. Nhờ sự quan tâm đầu tư bồi dưỡng cán bộ, giáo viên về chuyên môn, nghiệp vụ và tay nghề nên chất lượng dạy nghề tại Trung tâm dạy nghề Bắc Quang chuyển biến tích cực, luôn là điểm sáng trong công tác dạy nghề của tỉnh. Nhờ có sự tuyên truyền tích cực và hiệu quả, qua các kênh thông tin mà 100% Thôn, Tổ dân phố trên địa bàn huyện đã được tiếp cận các thông tin về chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người lao động khi tham gia học nghề. Người lao động đã có nhận thức đúng đắn về học nghề lập nghiệp và đã chủ động đăng ký tham gia học nghề theo các chương trình dạy nghề do Trung tâm tổ chức. Sau khi học nghề kỹ thuật các học viên đã tìm được việc làm, ổn định thu nhập, nhiều học viên tiếp tục học tập để tự nâng cao trình độ. Những học viên theo học các nghề Nông lâm nghiệp kết thúc khóa học đã chủ động, áp dụng các kiến thức khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao sản lượng, giá trị, chất lượng hàng hóa nông sản của gia đình và địa phương. Góp phần vào đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn các xã, thị trấn và từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, đồng thời góp phần không nhỏ vào chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Thực hiện Nghị quyết số 02/NQ/TU, ngày 01/12/2010 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang khóa XV Về phát triển và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn, giai đoạn 2011-2015; Ngày 2/12/2011, UBND tỉnh Hà Giang đã Quyết định thành lập Trường Trung cấp nghề Bắc Quang. Từ khi thành lập Trường Trung cấp nghề đến nay, được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và Sở LĐTB&XH tỉnh Hà Giang, hằng năm, nhà Trường đã hoàn thành 100% kế hoạch tuyển sinh, đào tạo nghề được giao; tuyển sinh đào tạo nghề được 11.170 học viên học nghề thường xuyên, trên 1.200 học sinh đăng ký theo học hệ Trung cấp nghề. Nhà trường triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án 844 của tỉnh Hà Giang tại các huyện Vị Xuyên, Hoàng Su Phì; Quang Bình; Bắc Quang, đặc biệt nhà trường đã làm tốt công tác dạy nghề đáp ứng theo nhu cầu, nguyện vọng của người học, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Sự cố gắng, nỗ lực của tập thể cán bộ, giáo viên trường; Công tác quản lý nhịp nhàng hiệu quả của tập thể lãnh đạo trường, cùng sự phối kết hợp hiệu quả giữa nhà trường với các Doanh nghiệp, Hợp tác xã trên địa bàn, đã góp phần vào việc nâng cao hiệu quả của việc tuyển sinh đào tạo. Chất lượng dạy nghề của Trường từng bước được nâng lên. Ngành nghề đào tạo Trung cấp, dạy nghề Sơ cấp, dạy nghề thường xuyên đã từng bước đáp ứng được đòi hỏi của xã hội và nhu cầu của các doanh nghiệp, các Hợp tác xã.
Trên cơ sở chỉ tiêu kế hoạch dạy nghề được Sở LĐTB&XH và UBND huyện giao hằng năm, Trường Trung cấp nghề Bắc Quang tiến hành lập kế hoạch thực hiện tuyển sinh và tích cực chủ động trong việc tham mưu cho chính quyền huyện Bắc Quang trong việc khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động, xây dựng kế hoạch dạy nghề cho lao động thường xuyên, chiến lược phát triển ngành nghề tại địa phương, từ đó xây dựng chương trình tuyển sinh dạy nghề theo năm và theo ngành học. Nhà trường đã làm tốt công tác phối hợp với các cấp chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể, các đơn vị liên kết đào tạo, tuyên truyền, tư vấn về công tác tuyển sinh, về chính sách dạy nghề tới nhân dân trong và ngoài huyện, giúp người dân hiểu được các chính sách ưu việt của Đảng và Nhà nước về dạy nghề. Đồng thời đa dạng hóa các phương thức, hình thức tuyển sinh. Nhờ làm tốt công tác tư vấn, tuyển sinh học nghề nên hằng năm, Trường đã luôn hoàn thành và vượt kế hoạch được giao. Chính với sự đa dạng hóa trong công tác tuyển sinh đào tạo nghề và dạy nghề thường xuyên, chỉ trong 07 năm (từ năm 2011 đến năm 2018), nhà trường đã tuyển sinh đào tạo được trên 300 lớp với 11.170 người, trong đó: Năm 2011, nhà trường tuyển sinh được 1.800 học viên; năm 2012 tuyển sinh được 917 học viên; Năm 2013 tuyển sinh được 1.574 học viên; năm 2014: 1.235 học viên; Năm 2015 tuyển sinh được 520 học viên; Năm 2016 tuyển sinh được 585 học viên; Về tuyển sinh dạy nghề Trung cấp: Năm 2012, Trường đã tuyển sinh được 507 học sinh (khóa I), gồm: Nghề công nghệ thông tin, Nghề Công tác xã hội, Nghề Điện công nghiệp, Nghề May thời trang; Nghề Hàn, Nghề Công nghệ thông tin; Năm 2013, tuyển sinh được 401 học sinh (khóa II) gồm: May thời trang, Hàn, Điện công nghiệp, Lâm sinh, Công nghệ ô tô, Công nghệ thông tin; Năm 2014, tuyển sinh được 311 học sinh (khóa III) gồm: nghề Công tác xã hội, Lâm sinh, Điện công nghiệp, Hàn, Xây dựng và hoàn thiện công trình thủy lợi; Năm 2015 tuyển sinh được 276 học sinh (khóa IV) gồm: Công nghệ ô tô, Công nghệ thông tin, Điện công nghiệp, Xây dựng và hoàn thiện công trình thủy lợi, Lâm sinh; Năm 2016 tuyển sinh được 263 học sinh (khóa V) vượt 5,2% so với kế hoạch được giao gồm: Công nghệ thông tin, Điện công nghiệp, Lâm sinh. Năm 2017 kế hoạch được giao 1050 chỉ tiêu, đã tuyển sinh được 1233 học viên trong đó lớp trung cấp 121/180 học viên, vượt 11%; Đào tạo Trung cấp nghể Nội trú 07 lớp với 151 học viên; Dạy nghề thường xuyên 870 học viên. Năm 2018 kế hoạch giao 1480 chỉ tiêu, đã tuyển sinh được 1558 học viên, trong đó: Lớp Trung cấp 297/250 chỉ tiêu, vượt 12%; Đào tạo nghề Nội trú 08 lớp với 239 học viên; Dạy nghề thường xuyên 1000 học viên; Liên kết với trường Cao đẳng cơ điện Phú Thọ mở 01 lớp Công nghệ chế biến chè với 22 học viên.
Kết qủa sau đào tạo nghề, qua theo dõi, thống kê và thông tin từ học viêncho thấy trên 90% lao động nông thôn tham gia học nghề, sau khi hoàn thành chương trình đào tạo được giải quyết việc làm, bình quân thu nhập đối với lao động tại nông thôn khoảng 03 triệu đồng/ tháng/người; nhóm nghề nông lâm nghiệp, sau khi được đào tạo và chuyển giao khoa học kỹ thuật về Nông nghiệp, Lâm nghiệp và chăn nuôi, đa số học viên đã tích cực áp dụng kiến thức vào thực tế sản xuất, theo hướng sản xuất hàng hoá, giảm chi phí sản xuất và giảm sức lao động, tăng giá trị hàng nông sản, mang lại thu nhập cao cho người dân và góp phần phát triển kinh tế xã hội và xây dựng nông thôn mới. Đối với các lớp trung cấp nghề, sau khi được đào tạo phần lớn đã được bố trí việc làm tại các công ty, doanh nghiệp, Hợp tác xã (theo đơn đạt hàng), số còn lại đã về tự mở xưởng hoặc cửa hàng để hoạt động, lương và mức thu nhập bình quân từ 04 triệu đến 05 triệu đồng/tháng/người.
Với những thành tích và kết quả đạt được của Nhà trường trong những năm qua, hằng năm, Nhà trường luôn đạt danh hiệu Tập thể lao động tiên tiến, tiên tiến xuất sắc; Cơ quan đạt đơn vị chuẩn văn hóa; Nhà trường luôn được tặng Giấy khen của UBND huyện Bắc Quang. Năm 2015, 2016, Trường được UBND tỉnh Hà Giang tặng Bằng khen. Có trên 95% cán bộ, giáo viên đạt danh hiệu lao động tiên tiến và chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; 02 cá nhân được Tỉnh ủy tặng Bằng khen, 01 viên chức được Liên đoàn lao động tỉnh tặng Bằng khen, nhiều thầy, cô giáo nhận được tặngGiấy khen của sở, Ủy Ban nhân dân huyện và các tổ chức đoàn thể về đã có thành tích xuất sắc trong công tác.
Nhìn lại 13 năm qua, có thể khẳng định: Trong điều kiện của một tỉnh vùng cao, vùng dân tộc thiểu số và biên giới còn rất nhiều khó khăn, song với sự đoàn kết, quyết tâm và nỗ lực của Chi bộ, Ban giám hiệu và toàn thể cán bộ, giáo viên, Trường TCNDTNT-GDTX huyện Bắc Quang đã đạt được những thành tích rất phấn khởi. Trong hơn mười năm qua, nhà trường đã đào tạo được trên 20.000 con, em đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang được học tập, đào tạo trở thành những công nhân kỹ thuật có trình độ và tay nghề từ Sơ cấp, đến Trung cấp nghề và liên kết đào tạo Cao Đẳng nghề, góp phần quan trọng vào sự phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Hà Giang. Bên cạnh đó, Trường đã và đang thực hiện tốt công tác xây dựng đội ngũ có trình độ chuyên môn cao, đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ giáo dục nghề nghiệp trong tình hình mới. Những thành tích đạt được trong những năm qua, đã khẳng định sự phát triển về quy mô của trường, về ngành nghề và trình độ đào tạo; chất lượng đào tạo ngày càng nâng cao, uy tín của Nhà trường ngày càng mở rộng, tác động tích cực tới các thành phần kinh tế và nhân dân trong tỉnh.
Trước tình hình phát triển mạnh mẽ của thời đại 4.0 cũng đã đặt ra cho Chi bộ, Ban giám hiệu trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú - Giáo dục thường xuyên Bắc Quang những yêu cầu và nhiệm vụ rất lớn trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, hội nhập kinh tế, xây dựng và phát triển tỉnh Hà Giang trong những năm tiếp theo, nhằm thực hiện tốt, có hiệu quả chủ trương của Thủ Tướng Chính phủ về phát triển giáo dục đào tạo và dạy nghề khu vực Trung du, miền núi phía Bắc giai đoạn 2015 - 2030./.
Nguồn: http://hoikhuyenhoc.hagiang.edu.vn